VÔI RĂNG, MẢNG BÁM VÀ BỆNH VIÊM NƯỚU

Bệnh viêm nướu có các biểu hiện như nướu răng bị sưng đỏ, dễ bị chảy máu (khi đánh răng, khi dùng chỉ nha khoa hay sự va chạm nhẹ vào bề mặt nướu). Viêm nướu là tình trạng nhẹ của bệnh nha chu và có thể chuyển sang bệnh nha chu nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng mức.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm nướu:

Nguyên nhân thông thường của bênh viêm nướu là do vệ sinh răng miệng kém, các mảng bám đọng lại ở viền nướu gây ra tình trạng viêm nướu. Sau khi ăn, bề mặt răng, nhất là vùng kẽ răng và viền nướu có đọng một lớp bợn mềm màu trắng được gọi là mảng bám. Mảng bám gồm có những mảnh vụn thức ăn tinh bột và đường với nhiều vi trùng sinh sản ở trong đó. Các vi khuẩn sinh sâu răng thường xuyên hiện diện trong mảng bám và chuyển hóa thức ăn dư của mảng bám thành axít, axít ăn mòn men, ngà răng và tạo ra lổ sâu. Mảng bám cũng chứa nhiều vi trùng gây ra tình trạng viêm nướu và bệnh viêm nha chu.

Mảng bám tích tụ nhiều ở vùng viền nướu ( các mủi tên) vì không được chải sạch sau khi ăn, viền nướu bị sưng đỏ.

Mảng bám nếu không được chải sạch mỗi ngày sẽ tích tụ chất vôi từ tuyến nước bọt tiết ra và tạo thành một hổn hợp cứng bám vào răng gọi là vôi răng. Vôi răng thường hay đọng dọc theo viền nướu và khe nướu là những vùng thường hay bị bỏ sót khi bạn chải răng. Mảng bám và vôi răng là nguồn chứa vi trùng gây ra bênh viêm nướu và nha chu.

Vôi răng ( mủi tên màu xanh) tích tụ thành tảng màu nâu và có chứa nhiều vi trùng gây ra bệnh viêm nha chu. Viền nướu bên dưới khối vôi bị sưng đỏ ( mủi tên màu vàng).

Các yếu tố làm cho nướu răng dễ bị viêm:

  • Vệ sinh răng miệng kém
  • Hút thuốc hoặc nhai trầu, nhai thuốc
  • Người lớn tuổi
  • Khô miệng
  • Tiểu đường
  • Dinh dưỡng kém, thiếu sinh tố C
  • Răng mọc khấp khểnh làm khó chải rửa
  • Miếng trám hoặc mão răng bị hở là chổ trú ẩn của mảng bám vi khuẩn.
  • Tình trạng suy giảm miễn dịch như ung thư  máu, bệnh AIDS hoặc đang điều trị ung thư
  • Sự thay đổi về kích thích tố khi có thai, kinh nguyệt hoặc dùng thuốc ngừa thai
  • Bịnh siêu vi hoặc nhiểm nấm
  • Bệnh nhân đang dùng một số thuốc để trị kinh phong, cao huyết áp

Điều trị:

Bệnh viêm nướu nếu được điều trị sớm thì tình trạng nướu răng có thể trở lại bình thường. Thói quen vệ sinh răng miệng tốt và không hút thuốc lá cũng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Các biện pháp điều trị chuyên môn gồm có:

  • Làm sạch răng định kỳ ở phòng khám răng: Các mảng bám và vôi răng được cạo và đánh sạch bằng các dụng cụ cầm tay hoặc siêu âm và laser. Các vôi răng bám sâu dưới khe nướu ở chân răng cũng được cạo sạch.
  • Trám lại các miếng trám bị hở, các mão răng bị hở cần được làm lại cho khít khao.
  • Các răng mọc chen chúc cần được niềng răng để chỉnh lại cho ngay ngắn và dễ chăm sóc.
  • Tùy theo mức độ tích tụ vôi răng  nhiều hay ít và tình trạng viêm nướu nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ đề nghị thời gian tái khám sớm hay muộn. Thông thường mỗi 6 tháng bạn nên đi làm sạch răng một lần.

Các biến chứng của bệnh viêm nướu:

Nếu không được điều trị, bệnh viêm nướu có thể lan xuống các mô ở sâu bên dưới chân răng như dây chằng chân răng và xương hàm và có thể đưa đến tình trạng mất răng. Đây là những biểu hiện của bệnh viêm nha chu.

Bệnh viêm nướu mãn tính thường đi đôi với các bệnh toàn thân như tiểu đường, viêm khớp, tim mạch và hô hấp. Một số nghiên cứu cho thấy vi trùng gây ra bệnh viêm nha chu có thể theo máu đi đến tim, phổi và các bộ phận khác trong cơ thể. Trong những bệnh nhân có cơ địa kém như thiếu dinh dưỡng, suy giảm miển dịch, bệnh viêm nướu có thể gây ra tình trạng viêm nướu lở loét; nướu bị chảy máu, vết lở rất đau và có mùi hôi thối.

Phòng ngừa:

Bạn có thể phòng ngừa bệnh nướu răng một cách hiệu quả bằng các biện pháp sau đây:

  • Giữ vệ sinh răng miệng tốt: chải răng ngày hai lần sáng và tối, mỗi lần chải ít nhất hai phút; dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày một lần. Hạn chế ăn vặt và chải răng ngay sau khi ăn là một biên pháp phòng ngừa tích cực.
  • Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Nếu bạn có những tình trạng dễ viêm nướu như đã nói ở trên thì cần phải đi làm sạch răng thường xuyên hơn, thí dụ như 3-4 tháng một lần.
  • Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn nhiều rau cải trái cây, hạn chế ăn nhiều chất bột và đường.

Similar Posts