SỰ MẤT RĂNG VÀ CÁC HẬU QUẢ

BSNK Chánh Việt

Sự mất răng là tình trạng phổ biến khi tuổi của chúng ta càng cao. Theo thống kê, trung bình một người 45 tuổi bị mất hơn 6 cái răng trên hàm. Theo thống kê của viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ, trong độ tuổi 20 đến 60 có khoảng 3.75% dân số mất không còn chiếc răng nào trên miệng. Khi tuổi càng cao hơn (trong khoảng 65 đến 74 tuổi) thì tỉ lệ mất răng toàn bộ lên đến 30%.

Nguyên do thông thường gây ra tình trạng mất răng là sâu răng và bệnh viêm nha chu. Ngoài ra, các nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng mất răng như bị chấn thương, ung thư, mòn răng… Các yếu tố có ảnh hưởng gián tiếp đến sự mất răng như hút thuốc, tiểu đường, béo phì… vì các yếu tố này làm cho bệnh viêm nha chu nặng hơn và đưa đến tình trạng mất răng.

Sự mất răng gây nhiều hậu quả không những ở vùng răng miệng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân và tâm lý nữa.

HẬU QUẢ CỦA SỰ MẤT RĂNG LÊN VÙNG RĂNG MIỆNG:

Một cách tổng quát, sự mất một vài răng có thể gây các hậu quả như sau:

  1. Sự phát âm: Mất các răng cửa có thể gây ra những xáo trộn về phát âm. Sự phát âm là sự phối hợp của nhiều bộ phận: môi, răng, lưỡi và vị trí của hàm dưới. Khi mất đi một thành phần thì sự phát âm sẽ bị thay đổi.

2. Sự tiêu ngót xương hàm: Mất một vài răng có thể gây ra sự teo xương. Xương ổ răng là một phần của xương hàm bao bọc xung quanh chân răng. Phần xương này có hình thể đầy đặn khi răng còn hiện diện trên hàm. Xương ổ răng chỉ tồn tại khi còn răng. Tác động của lực nhai lên răng tạo ra sự kích thích để duy trì kích thước của xương ổ. Khi răng bị mất đi, không còn lực nhai tác động, xương ổ sẽ dần dần teo lại vì bị thoái hóa.

Sau khi mất răng , vùng xương quanh chân răng (hay còn gọi là xương ổ) bị teo ngót theo cả hai chiều ngang và chiều đứng.

Hàm giả được lấy khuôn và khít khao với sống hàm lúc ban đầu. Sau 6 tháng, sống hàm teo ngót đáng kể và răng giả không còn khít khao như ban đầu.

3. Răng di chuyển: Khi chúng ta bị mất một vài răng, các răng còn lại có thể di chuyển dần dần theo nhiều hướng khác nhau như mọc trồi, hở kẽ răng, ngã nghiêng …

. Sự mọc trồi răng đối diện sau khi mất răng: Bình thường bộ răng của chúng ta ở trạng thái thăng bằng nhờ các răng hàm trên và răng hàm dưới ăn khớp với nhau khi nhai hoặc khi nuốt. Sự ăn khớp này giữ cho các răng không bị trồi lên. Tuy nhiên khi một vài chiếc răng bị mất, răng đối diện không còn điểm chận sẽ dần dần mọc trồi lên (nếu là răng của hàm dưới) hoặc trồi xuống (nếu là răng của hàm trên).

Khi mất các răng hàm dưới, các răng hàm trên trồi xuống, sau một thời gian dài sẽ chạm vào sống hàm dưới và gây chấn thương mô mềm và xương hàm dưới. Khi mất răng hàm trên, hiện tượng tri răng này cũng xảy ra tương tự.

Hiện tượng mọc trồi răng là một cơ chế tự nhiên và có lợi để giữ cho chiều cao của khuôn mặt được ổn định dù mặt nhai của răng có bị mòn đi với thời gian do sự cọ xát khi ăn nhai. Tuy nhiên, khi một hoặc vài răng bị mất mà không được phục hồi bằng răng giả thì sự trồi răng sẽ trở nên có hại, nó làm xáo trộn sự ăn khớp của hai hàm răng. Ngoài ra sự mọc trồi răng có thể nhiều đến mức độ làm cho răng thòng dài mất thẩm mỹ và răng trồi sẽ cọ xát vào vùng xương hàm mất răng đối diện gây xây xát niêm mạc nướu. Cuối cùng răng bị trồi đó phải bị nhổ bỏ đi để không gây chấn thương cho nướu răng và xương hàm.

. Sự hở kẽ các răng và sự di chuyển lệch lạc của răng: Bình thường các răng tựa vào nhau như các viên gạch trên một cái cổng vòm. Khi bị mất một răng thì sự ổn định đó không còn nữa và các răng có khuynh hướng bị di chuyển và làm cho các răng còn lại bị hở kẽ hoặc nghiêng ngã tương tự như sự sụp đổ của chiếc cổng vòm xây bằng gạch khi mất đi một viên gạch. Sự hở kẽ răng và di chuyển lệch lạc của răng là điều kiện tốt cho bệnh sâu răng và viêm nha chu khởi phát; các kẽ răng dễ bị nhét thức ăn dần dần đưa đến sâu răng, các răng mọc lệch lạc khó chải rửa là chổ tích tụ mảng bám vi khuẩn đưa đên viêm nha chu.

Hình ảnh tia X cho thấy răng bị trồi và nghiêng ngã làm xáo trộn khớp cắn.

4. Khớp cắn sai lệch: Hiện tượng răng di chuyển nói trên, về lâu dài sẽ làm thay đổi khớp cắn. Mặt nhai của hai cung răng trỡ nên lồi lõm, cái cao cái thấp… Khi mất răng cối, người mất răng có khuynh hướng nhai bằng các răng cửa nhiều hơn và làm cho các răng cửa bị quá tải và mọc xìa ra, các khoảng hở giữa các răng ngày càng rộng hơn. Hiện tượng xìa răng cửa dễ xảy ra khi có bệnh viêm nha chu; xương ổ răng bị mất đi do hậu quả của bệnh này làm cho chân răng không có xương nâng đỡ, dễ bị nghiêng ngã.

5. Khó nhai: Khi các răng không còn ăn khớp khít khao nữa thì hiệu quả nhai sẽ giảm đi rất nhiều, thức ăn không đươc nghiền nát và khi đó chúng ta phải nhai lâu hơn thức ăn mới được nghiền nát. Các răng cửa chỉ có công dụng cắt hoặc xé thức ăn; khi chúng được chuyển qua thay thế răng cối trong việc nhai thì hiệu quả rất kém.

6. Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Sự mất răng cửa có ảnh hưởng nhiều đến sự thẩm mỹ. Sự nghiêng ngã hoặc hở kẽ răng cũng gây ra một sự mất thẩm mỹ tương tự như mất răng và lắm lúc không thể phục hồi bằng biện pháp làm răng giả thông thường. Ðôi khi cần phải có sự kết hợp điều trị của bác sĩ chỉnh nha để kéo răng ngay ngắn trở lại vị trí ban đầu, rồi sau đó mới làm răng giả.

 Trên phương diện thẩm mỹ, răng và xương ổ răng có tác dụng nâng đỡ cho má và môi để tạo một hình dáng đầy đặn, trẻ trung của khuôn mặt. Khi răng và xương ổ bị mất, má trở nên teo hóp hơn, các nếp gấp trên mặt trở nên sâu hơn và sự già cỗi đến rất nhanh trên khuôn mặt. Ðể phục hồi lại tình trạng “răng rụng mà hóp” này chúng ta phải mang răng giả và cả nướu giả để bù đắp lại phần răng và xương đã bị mất.

Tình trạng mất răng toàn bộ các răng thường gây ra nhiều hiện tượng có ảnh hưởng trầm trọng đến diện mạo và thẩm mỹ của khuôn mặt:

Hiện tượng thứ nhất là sự giảm chiều cao của khuôn mặt làm cho mặt bị mất cân đối và hàm dưới thường có khuynh hướng đưa ra trước mỗi khi bệnh nhân ăn nhai.

Mất răng toàn bộ làm cho khuôn mặt bị giảm chiều cao và sụp xuống.

Hiện tượng thứ hai là sự tiêu ngót rất nhiều của xương hàm: Như đã nói ở phần trên, xương ổ răng là một phần của xương hàm, khi răng mất đi thì xương ổ răng sẽ bị thoái hóa và teo dần đi. Sự tiêu xương do mất răng sẽ kéo dài suốt đời, nó không chỉ giới hạn ở phần xương ổ răng mà còn lan rộng và làm teo cả một phần xương hàm. Hàm dưới có mức độ tiêu xương nhanh gấp bốn lần hàm trên. Sự tiêu xương này khiến cho việc mang hàm giả trở nên khó khăn vì gờ xương bị hạ thấp làm cho hàm giả không còn vững; hay trượt tới, trượt lui khi nhai. Có những yếu tố làm cho sự tiêu xương hàm tiến triển nhanh hơn, đó là sự nhai nghiền thức ăn trực tiếp bằng sóng hàm (xảy ra ở người mất răng mà không được phục hồi bằng hàm giả), hoặc ở những trường hợp hàm giả quá lỏng lẻo không được đệm nền thường xuyên. Các sự va chạm vào xương hàm do sự nhai nghiền trực tiếp bằng sóng hàm hoặc sự va chạm do hàm giả lỏng lẻo “nhảy lên nhảy xuống”; các sự va chạm bất lợi này làm “gia tốc” mức độ tiêu xương hàm.

Sống hàm bị teo và giảm chiều cao làm cho việc mang hàm giả khó khăn hơn.

Ðặc biệt ở hàm dưới, sự tiêu xương làm hạ thấp sóng hàm và làm cho lỗ thần kinh cằm bị lộ ra trên đỉnh sóng hàm. Vùng đỉnh sóng hàm là vùng chịu nhiều áp lực khi nhai, do đó thần kinh cằm bị đè ép sẽ gây ra sự đau đớn mỗi khi nhai.    Hiện tượng thứ ba là sự phát triển phì đại của các bộ phận ở vùng miệng như má và lưỡi. Khi không còn răng để nhai, má và lưỡi phải làm việc nhiều hơn trong việc nghiền thức ăn, với thời gian sự “tập thể dục” bất đắc dĩ này làm cho lưỡi và vùng dưới lưỡi phì lớn ra và chiếm cả thể tích của hốc miệng. Khi đó việc mang răng giả trở nên vô cùng khó khăn vì hàm răng thường xuyên bị lưỡi đẩy rạ. Hiện tượng phì đại của má và lưỡi thường xảy ra ở người mất răng mà không mang hàm giả.

Mất răng trong một thời gian dài mà không mang hàm giả, lưỡi phải làm việc nhiều hơn khiến cho thể tích lưỡi và vùng dưới lưỡi phì đại.

HẬU QUẢ CỦA SỰ MẤT RĂNG TRÊN SỨC KHỎE TOÀN THÂN:

Sự mất răng có nhiều ảnh hưởng lên sự tiêu hóa, sức khỏe tổng quát và sự đề kháng của cơ thể.

  1. Mất răng làm rối loạn tiêu hóa: Sự nhai kỹ thức ăn trong miệng làm cho nước miếng tiết ra nhiều hơn. Trong nước miếng có chứa  chất men amylase giúp cho sự tiêu hóa chất bột, khoảng 30% sự tiêu hóa chất bột xảy ra ở miệng khi chúng ta nhai kỹ. Thức ăn đươc nhai nhuyển sẽ làm cho tác dụng của men tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Khi mất răng, thức ăn không được nhai nhuyển và có khuynh hướng được nuốt vội vàng, thời gian tiêu hóa thức ăn ở miệng không đạt được hiệu quả, nước miếng cũng không đươc tiết ra đầy đủ. Các mảnh thức ăn không nhuyển làm cho dạ dày phải làm việc nhiều hơn.
  2. Thức ăn không đươc nhai kỹ làm giảm hấp thu ở ruột: Để cho các men tiêu hóa hoạt đông hiệu quả ở ruột, bề mặt tiếp xúc giữa chất men tiêu hóa với các mảnh thức ăn phải lớn tức là các mảnh thức ăn phải được nhai nhuyển. Nếu thức ăn không được nhai nhuyển, ngoài sự phí phạm thức ăn vì ăn vào mà không đươc tiêu hóa và hấp thu, sự dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng do sự giảm hấp thu này.  Người bị mất răng có thể thay đổi thói quen ăn uống, thường thích ăn các đồ ăn mềm hơn, các thức ăn có nhiều chất bột và đường. Hiệu quả nhai kém do mất răng thường đi đôi với sự giảm hấp thu các sinh tố và chất xơ thường có trong rau cải và trái cây Sự chọn lựa thức ăn bị giới hạn rất nhiều có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Các nghiên cứu cho thấy ở người mất răng toàn bộ mặc dù có mang răng giả, hiệu quả nhai cũng chỉ bằng 1 phần 6 hiệu quả nhai ở người có đủ bộ răng thật. Các chứng cớ lâm sàng cho thấy sự thiếu dinh dưỡng bất cứ do nguyên do gì cũng đều đưa đến sự suy giảm miển nhiểm, cơ thể không có đủ sự đề kháng để chống lại các bệnh. Tuổi thọ cũng bị ảnh hưởng do sự mất răng lâu dài mà không đươc phục hồi bằng răng giả.

HẬU QUẢ CỦA SỰ MẤT RĂNG TRÊN TÂM LÝ:

Các hậu quả do sự mất răng lên vùng răng miệng và sức khỏe toàn thân có thể nhận thấy bằng sự theo dõi sức khỏe. Hậu quả trên tâm lý thường không được các nhân viên y tế và thân nhân của người bệnh chú ý nhiều vì bệnh nhân ít thố lộ với người khác. Sự mất răng có thể gây ra những hậu quả về tâm lý như mặc cảm, mất tự tin, cảm giác bị tàn phế, xa lánh các mối giao tiếp xã hội và ảnh hưởng đến sự thăng tiến trong nghề nghiệp.  Nhiều người mất răng không dám cười thoải mái và có cảm giác bị tổn thương về tâm lý. Tùy theo hoàn cảnh xã hội mà sự tổn thương này có thể nhiều hay ít; những người hàng ngày phải giao tiếp với người khác hoặc người ở thành thị có sự tổn thương nặng hơn những người thường ngày ít giao tiếp.

Sự mất răng cửa tạo ra những vấn đề vế tâm lý và xã hội.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến của gần 20 ngàn Bác sĩ Nha Khoa, có hơn 86%   bác sĩ cho rằng khoảng phân nửa số bệnh nhân mất răng có khuynh hướng e ngại và tránh né các giao tiếp xã hội.

Trong một nghiên cứu khác nhằm thăm dò ý kiến của hai nhóm bệnh nhân: một nhóm mất hết răng và được phục hồi bằng răng giả; nhóm thứ hai mất hết răng và không có điều kiện điều trị. Ở nhóm thứ hai có nhiều hơn 50% bệnh nhân cảm thấy khổ sở về mặt tâm lý vì không có răng.

Để kết thúc chủ đề này chúng ta cần biết rằng những hậu quả của sự mất răng xảy ra chậm trong một thời gian nhiều năm hay vài chục năm, các hậu quả về thể chất và tâm lý là không phục hồi lại được hoàn toàn như trước khi mất răng. Sự mất răng khởi đầu bằng mất một răng và sau đó quá trình mất răng gia tốc, do đó sự điều trị sớm từ đầu là một biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

Similar Posts