SÂU RĂNG
BSNK Chánh Việt
Sâu răng là sự phá hủy các mô cứng của răng như men, ngà răng. Bệnh sâu răng xảy ra cho mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây ra sâu răng là do các vi khuẩn sinh ra sâu răng thường tích tụ trên bề mặt răng tạo thành mảng bám,vi khuẩn này chuyển hóa các thức ăn có chất đường thành axít làm ăn mòn các mô cứng của răng và tạo ra lổ sâu.
Bệnh sâu răng và bệnh nha chu là hai bệnh chính của vùng răng miệng đưa đến tình trạng mất răng.
Các lổ sâu không được phát hiện và không được điều trị sẽ lan rộng đến tủy răng gây ra sự nhiểm trùng tủy răng; lúc đầu là viêm tủy rồi đến chết tủy và áp xe răng.
Khi răng bị viêm tủy, tủy răng gồm các mạch máu và dây thần kinh cảm giác, sẽ bị sưng tấy lên trong buồng tủy. Buồng tủy là một khoảng trống bao bọc bằng vách ngà răng cứng chắc, do đó khi mạch máu sưng tấy lên sẽ tạo ra sự nén ép lên thần kinh cảm giác và gây ra cơn đau răng dữ dội.
Các triệu chứng của sâu răng:
– Răng bị ê buốt khi ăn nóng, lạnh, chua, ngọt.
– Có thể nhìn thấy lổ sâu trên bề mặt răng.
– Đau khi nhai.
– Nhức răng khi ăn uống hoặc cơn đau tự phát (đau không rõ nguyên do)
Các loại sâu răng:
Ở người trẻ, sâu răng thường xảy ra ở các hố và rảnh trên mặt nhai của răng và ở kẽ răng. Sâu kẽ răng thường khó phát hiện và đôi khi phải chụp phim tia X mới nhìn thấy được.
Ở người lớn tuổi, sự tuột nướu do chải răng không đúng cách cùng với bệnh nha chu làm cho chân răng bị lộ ra; chân răng không có men răng che chở thường dễ bị sâu chân răng. Sâu chân răng thường xảy ra ở người trên 50 tuổi và khó điều trị vì lổ sâu thường nằm dưới viền nướu và vật liệu trám khó bám vào. Sâu răng ở viền của miếng trám cũ cũng phổ biến ở người lớn tuổi. Sau nhiều năm sử dụng ở trên miệng, các miếng trám thường bị nứt và suy yếu tạo ra các khe hỡ ở xung quanh, vi khuẩn sinh sâu răng tích tụ ở khe hở này sinh ra axít và đưa đến sâu răng tái phát bên cạnh miếng trám. Sâu răng tái phát dưới miếng trám cũ thường khó phát hiện và thường phải chụp phim tia X mới phát hiện đươc.
Các yếu tố làm cho răng dễ bị sâu:
– Vị trí của răng: Các răng phía trong của miệng như răng cối hay răng cối nhỏ vì có những rãnh sâu trên mặt nhai nên dễ tích tụ thức ăn và dễ bị sâu.
– Thức ăn và thức uống: Các thức ăn có chứa đường và tinh bột như kẹo, bánh, nước ngọt, kem thường gây sâu răng nhiều hơn. Các thức ăn ngọt bị vi khuẩn chuyển hóa thành axít nhanh hơn.
– Thói quen hay ăn vặt và thường xuyên uống nước ngọt cũng làm tăng nguy cơ bị sâu răng vì men răng thường xuyên tiếp xúc với thức ăn và chất axít do sự lên men thức ăn.
– Trẻ em bú khi đi ngủ: Sữa hay hay nước trái cây đọng trên bề mặt răng sau khi bé bú và ngủ gây ra tình trạng sâu rất nhiều răng sữa trên miêng cùng một lúc. Tình trạng này cũng phổ biến với các em bé có thói quen thường xuyên ngậm bình sữa.
– Khô miêng: Tình trạng khô miêng cũng dễ gây ra sâu răng vì nước miếng có tác dụng rửa sạch răng và làm trung hòa axít do sự lên men thức ăn. Tình trạng khô miệng có thể do sử dụng các thuốc hạ huyết áp, thuốc chữa ung thư, điều trị tia X hoặc bênh của tuyến nước miếng; các yếu tố này làm giảm sự tiết nước miếng hoặc hoặc thoái hoá tuyến nước miếng.
– Tuổi tác: trẻ em và người lớn tuổi thường có nguy cơ sâu răng cao hơn vì không tự chăm sóc răng cho mình được
– Không chăm sóc răng đúng mức: Chải răng vội hoặc không chải răng sau khi ăn cũng là nguy cơ dễ bị sâu răng.
– Ợ chua: Ở người hay bị ợ chua, chất axít từ trong dạ dầy đi ngược lên miêng và làm ăn mòn men răng. Khi không có men che chở, răng dễ bị sâu.
– Sự đề kháng của cơ thể: Mỗi cá nhân có sức đề kháng với sâu răng khác nhau: có người có rất nhiều lổ sâu trên miệng, nhưng cũng có người suốt đời không có một răng nào bị sâu. Phác đồ điều trị của bác sĩ thay đổi tùy theo trường hợp; người dễ bị sâu răng cần đươc điều trị tích cực và tái khám thường xuyên hơn (thí dụ mỗi 3 tháng một lần).
Các biến chứng của sâu răng:
Sâu răng là bệnh phổ biến và viêc điều trị thường bị xem nhẹ. Tuy nhiên, các biến chứng của sâu răng thường nặng, kéo dài và không phục hồi đươc như cũ. Ngay cả ở bộ răng sữa, sâu răng cũng có biến chứng ảnh hưởng đến bộ răng vĩnh viễn về sau.
Các biến chứng của sâu răng gồm có:
– Đau nhức: do viêm tủy như đã nói ở trên.
– Răng và nướu chảy mủ.
–Áp xe răng: Tủy răng bị nhiểm trùng đẩn đến áp xe răng và có thể nặng hơn như áp xe hàm mặt hoặc áp xe sàn miệng, nhiểm trùng máu có thể gây tử vong.
– Răng bị suy yếu, dễ bị vỡ và cuối cùng phải nhổ răng.
– Giảm sức nhai vì răng bị đau hay vì mất răng. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm cho sự dinh dưởng bị suy kém, bênh nhân ăn không thấy ngon.
– Răng bị lệch lạc: Lổ sâu làm mất điểm tựa giữa các răng kế cận nhau khiến cho răng di chuyển làm cung răng bị lệch lạc, khớp răng không còn ăn khớp khít khao và hiệu quả nhai bị giảm đi.
– Sự mất răng còn ảnh hưởng đến diện mạo và sự tự tin trong giao tiếp.
Lổ sâu răng không được chữa (1), gây ra sự nhiểm trùng ở buồng tủy (2), và tạo túi mủ ở chóp chân răng (4). Túi mủ có thể làm tổn thương xương ổ chân răng (3).
Các biện pháp phòng ngừa sâu răng:
– Chải răng ít nhất ngày hai lần với kem đánh răng có chứa fluo. .
– Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng
– Hạn chế ăn vặt, ăn bánh kẹo và hạn chế uống các thức uống soda, thức uống có đường. Ăn nhiều rau cải, trái cây có chất xơ để làm sạch răng.
– Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng và hỏi ý kiến bác sĩ nha khoa trong việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa chuyên môn như thoa chất fluo lên răng để làm cho men răng ít bị sâu hơn, trám phòng ngừa các rãnh ở mặt nhai bằng chất trám bít hố rãnh (sealant). Ở những người có nguy cơ sâu răng cao có thể phải gặp bác sĩ nha khoa mỗi 3 tháng.
– Chất fluo là một muối khoáng có trong thiên nhiên khi được quét lên men răng có tác dụng làm cho men răng cứng chắc, khó bị axít ăn mòn. Do đó fluo được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa sâu răng rất tốt.
– Trám răng khi lổ sâu còn nhỏ cũng là một biên pháp phòng ngừa để cho lổ sâu không lan sang răng kế cận. Lổ sâu không đươc trám là một ổ chứa vi trùng mà bàn chải không chải sạch được.
Tóm lại, sâu răng là nguyên nhân chính đưa đến mất răng và nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sự ăn nhai và sức khỏe tổng quát. Mặc dù ngành nha khoa có nhiều tiến bộ trong việc chống lại sâu răng nhưng sự áp dụng các kiến thức về răng miệng trong việc tự chăm sóc răng của mỗi cá nhân là quan trọng hơn hết trong việc chống lại bệnh sâu răng.