NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ RĂNG MIỆNG Ở NGƯỜI LỚN TUỔI

BSNK Chánh Việt

Với đà tiến bộ của y học ngày nay, tuổi thọ của con người ngày càng tăng hơn. Nhiều người sống đến 80, 90 tuổi là việc bình thường. Khi tuổi càng cao thì “những dấu ấn của thời gian” lên vùng răng miệng càng nhiều và đa dạng hơn. Tuy nhiên nếu biết cách phòng ngừa và điều trị thì cuộc sống của quí vị cao niên sẽ khỏe mạnh và thoải mái hơn. Dưới đây là những biểu hiện thường xảy ra ở người lớn tuổi:

Sự tụt nướu răng:

Sự tụt nướu răng có thể gây ra bởi: chải răng quá mạnh tay; sự chểnh mãng trong việc chăm sóc răng hoặc khói thuốc lá làm cho mảng bám vi khuẩn và vôi răng dễ tích tụ, các tác nhân này làm tụt nướu răng; ngoài ra bệnh viêm nướu và bệnh nha chu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả cũng làm tụt nướu răng. Khi nướu răng bị tụt, chân răng bị lộ ra nhiều hơn, chân răng không có men răng che chở do đó dễ bị ê buốt và dễ bị sâu chân răng. Ngoài ra, chân răng có tiết diện nhỏ hơn, khi bị tụt nướu thì kẽ giữa các chân răng mở rộng ra và dễ nhét thức ăn hơn, nguy cơ sâu chân răng vì vậy càng cao hơn.

Răng bị tụt nướu do hậu quả của bệnh nha chu.

Sâu chân răng:

Đây là một tình trạng rất thường gặp. Hơn 60% người trên 65 tuổi bị sâu chân răng. Tỉ lệ sâu chân răng ở người lớn tuổi nhiều gấp ba lần ở người trẻ. Sự tiến triển của lổ sâu cũng nhanh chóng vì bề mặt chân răng nằm gần tủy răng; do đó sau vài tháng sâu răng khởi phát, tủy răng đã bị nhiểm trùng. Sự phát hiên sâu chân răng cũng khó khăn hơn vì chân răng thường bị viền nướu che khuất, khó quan sát bằng mắt thường, đôi khi bác sĩ phải chụp phim tia X để phát hiện.

Răng bị tụt nướu và sâu chân răng.

Sự điều trị sâu chân răng lại càng khó hơn vì các vật liệu trám khó bám vào bề mặt chân răng.

Để phòng ngừa tình trạng sâu chân răng, các biện pháp vệ sinh răng miệng cần phải chặt chẽ hơn phối hợp với việc hạn chế ăn vặt và sự sử dụng thuốc fluo ngừa sâu răng.

Sự mòn răng:

Răng là bộ phận duy nhất trong cơ thể có thể chịu đựng sự mài xát. Tuy nhiên sau hàng mấy chục năm sử dụng, lớp men răng ít nhiều cũng bị mòn đi. Sự mòn răng càng rõ rệt khi bạn có tật ngủ nghiến răng hoặc có thói quen nghiến chặt hai hàm răng mỗi khi tức giận hoặc căng thẳng…

Khi lớp men đã bị mòn đi thì lớp ngà răng bên dưới có đô cứng kém hơn sẽ bị mòn nhanh hơn. Có nhiều trường hợp cả thân răng bị mòn sát đến bề mặt nướu.

Các mão và cầu răng bằng sứ có độ cứng rất cao cũng có thể làm mòn răng thật đối diện sau nhiều năm sử dụng. Để phòng ngừa tình trạng mòn răng, bác sĩ có thể làm các máng nhựa mềm để bạn mang khi ngủ; máng nhựa này ngăn cho hai hàm răng không cọ xát vào nhau khi nghiến răng

Răng bị mòn đến sát bề mặt nướu. Bệnh nhân có thể phải cần nhiều mão răng để phục hồi hình thể và chức năng của răng.

Bệnh nha chu viêm:

Trong bài viết nói về bênh nha chu, chúng tôi có đề câp đến tỉ lệ phổ biến của bệnh nha chu đến 70% ở người lớn tuổi. Mô nha chu là các phần ở quanh răng, gồm có nướu, dây chằng nha chu và xương ổ. Các vi trùng gây ra bênh nha chu và các độc tố của nó tạo ra sự viêm lên các mô nha chu và làm tổn hại đến các mô này. Sự tổn hại bao gồm xương ổ chân răng và dây chằng bị mất đi đưa đến tình trạng răng lung lay, mưng mủ và mất răng.

Các biện pháp phòng ngừa và điều trị bênh nha chu được trình bày chi tiết trong phần nói về bệnh này.

Các dấu hiệu của bệnh nha chu: răng bị tụt nướu, hỡ kẽ, lung lay và mất răng.

Tình trạng mất răng:

Đây là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi, chỉ có 2% người trên 65 tuổi là còn đầy đủ bộ răng. Nguyên nhân thông thường nhất gây ra sự mất răng là bệnh sâu răng và bệnh nha chu, như vậy sự mất răng có thể tránh được bằng cách phòng ngừa và điều trị hai bênh kể trên từ lúc còn trẻ.

Một khi răng đã bị nhổ một vài cái trên cung hàm thì các răng mất phải được thay thế bằng răng giả hay implant để tránh tình trạng bị giảm sức nhai và các hậu quả như răng bị xô lệch, ngã nghiêng, môi má bị hóp và mất thẩm mỹ.

Khi bị mất một răng, các răng còn lại bị nghiêng và trồi, gây xáo trộn khớp cắn.

Chứng khô miệng:

Người lớn tuổi thường hay bị chứng khô miệng do sự giảm hoạt động của tuyến nước miếng. Triệu chứng của chứng khô miệng có thể từ nhe đến nặng như cảm giác khô và dính trong miệng; nước miếng trở nên đặc và kéo sợi; cảm giác đau đớn và bõng rát trong miệng và lưỡi; khó nhai, nuốt và nói. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng khô miệng như các bệnh của tuyến nước miếng, phản ứng phụ của các loại thuốc, tia phóng xạ trong việc điều trị ung thư ở vùng đầu và cổ. Lượng nước miếng bình thường giúp cho việc làm trơn và tăng sức bám cho hàm giả. Thiếu nước miếng việc đeo hàm giả trở nên đau đớn và sức bám của hàm giả bị giảm đi nhiều. Các hiểu biết về chứng khô miệng được trình bày chi tiết trong đề tài “Khô miệng”

Môi trường miệng khô rát vì không có nước miếng.

Các khó khăn trong việc chăm sóc răng miệng:

Ở những bệnh nhân bị viêm khớp bàn tay, bệnh Parkinson, bị liệt do tai biến mạch máu não, việc chải răng trở nên rất khó khăn và không chính xác. Sự chểnh mãng trong việc chăm sóc răng miệng làm cho bệnh sâu răng và nha chu phát triển.

Đây là một vấn đề quan trọng đối với những vị cao niên không tự chăm sóc răng miệng cho mình được và cần có người thân hoặc người điều dưỡng chăm sóc ở nhà hoặc ở viện dưỡng lão.

Sự sử dụng bàn chải điện cũng giúp dễ dàng cho những bênh nhân lớn tuổi vì đôi tay không còn khéo léo và chính xác lúc chải răng. Sự khám răng định kỳ rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe răng miệng cho người lớn tuổi.

Vấn đề dinh dưỡng:

Người lớn tuổi thường bị mất ít nhiều răng, việc ăn nhai khó khăn hơn và có khuynh hướng ăn thức ăn mềm hơn như các chất tinh bột bánh kẹo… Đồng thời vị giác cũng thay đổi khiến người cao niên thường thích ăn ngọt hơn. Các yếu tố này làm cho nguy cơ sâu răng cao hơn. Để giảm bớt nguy cơ do sâu răng, khẩu phần ăn của người lớn tuổi nên:

  • có nhiều rau cải, trái cây; các thức ăn này có nhiều chất xơ giúp cho sự tiêu                                                                               hóa và chất xơ này cũng làm sạch răng
  • giảm bớt các chất bột và chất đường cụ thể như bánh kẹo, nước ngọt …
  • hạn chế ăn vặt và chải răng ngay sau khi ăn.

Trái cây và rau cải tốt cho sức khỏe chung và sức khỏe răng miệng.

Các khó khăn khi mang hàm giả:

Người cao tuổi thường gặp khó khăn khi mang hàm giả, nhất là hàm giả thay thế toàn bộ răng. Lý do là sau nhiều năm sử dụng hàm giả không có bảo trì, sống hàm bị teo ngót đi nhiều và giảm chiều cao khiến cho sự bám giữ của hàm giả trở nên khó khăn hơn. Người mang hàm giả cần đi khám răng định kỳ để đệm lại nền hàm cho khít khao hơn, các hư hõng của hàm giả phải đươc sửa chữa. Các hàm giả lõng lẽo dễ bị xê dịch trong khi nhai và sự va đập thường xuyên của hàm giả lên sống hàm làm tăng nhanh quá trình teo ngót xương hàm.

Tóm lại sự phòng ngừa và điều trị bệnh răng miệng ở người lớn tuổi là một sự thử thách rất lớn đối với bản thân người bệnh và những người chăm sóc, kể cả bác sĩ nha khoa đang điều trị. Tuy nhiên một thói quen răng miệng tốt từ khi còn trẻ sẽ đem lại cho quý vị cao tuổi một phần thưởng vô giá đó là sức khỏe và sự thoải mái.

Similar Posts