NHỔ RĂNG VÀ CHĂM SÓC SAU KHI NHỔ RĂNG
BSNK Diệu Liên Tống
TRƯỚC KHI NHỔ RĂNG:
Trong ngày hẹn nhổ răng, bạn nên ăn sáng trước khi đến phòng nha khoa, một số bệnh nhân dễ bị choáng khi gây tê lúc bụng đói, vả lại ngay sau khi nhổ răng bạn chưa có thể ăn uống ngay được, do đó nên ăn trước khi nhổ răng. Bạn nên sắp xếp để nhổ răng vào buổi sáng để có thể theo dõi tình trạng chảy máu trong ngày đầu. Trước khi nhổ răng, bạn sẽ đươc gây tê để không bị đau trong quá trình điều trị.
NGÀY ĐẦU SAU KHI NHỔ RĂNG:
- Cắn chặt cuộn bông: Để tạo cục máu đông nơi ổ chân răng vừa mới nhổ, bạn cần cắn một miếng gạc quấn chặt đặt lên ổ chân răng trong thời gian từ 30 phút đến 1 giờ. Sức cắn của răng đối diện lên miếng gạc làm cho các mạch máu co lại và sự đông máu dễ dàng hơn. Chổ nhổ răng có thể bị rỉ máu, máu lẫn nước miếng tiết ra nhiều có thể làm cho bạn có cảm giác bị mất nhiều máu. Sau một giờ, bạn có thể lấy miếng gạc ra và quan sát chổ nhổ răng, nếu còn ra máu nhiều, máu đỏ và chảy thành dòng thì bạn có thể thay một miếng gạc quấn chặt khác và tiếp tục cắn lên đó cho tới khi không còn chảy nhiều máu. Máu có thể rỉ ra chút ít trong ngày đầu.
2- Chườm lạnh: Bạn có thể chườm một túi nước đá lên má nơi cạnh chổ nhổ răng để giảm đau và tránh sự sưng phù về sau. Chườm 10 phút và nghỉ 10 phút trong nửa ngày đầu ngay sau khi nhổ răng.
3-Tránh động tác mạnh: Tránh các va chạm mạnh có thể làm vỡ cục máu đông và chảy máu lại như: nhổ nước miếng ra thường xuyên, súc miệng mạnh, chải răng nơi nhổ răng, hút nước hay chất lõng bằng ống hút, ho hay nhảy mũi, di chuyển xa, vận động mạnh. Khi nằm bạn nên kê đầu lên gối cao để tránh áp lực máu dồn lên đầu, dễ chảy máu lại.
Tránh vận động mạnh
Không dùng ống hút khi uống
4-Uống thuốc: Dùng thuốc giảm đau như Ibuprofen hoặc Acetaminophen. Uống thuốc kháng sinh nếu bác sĩ đề nghị. Nếu bạn uống thuốc giảm đau có chất narcotic thì không nên lái xe hay sử dụng các máy móc.
5-Không hút thuốc, uống rượu: hoặc nhai thuốc lá trong ít nhất 3 ngày đầu để sự lành thương không bị trở ngại do khói thuốc. Không cho muối vào chổ nhổ răng vì có thể làm cản trở sự đông máu.
6-Ăn uống: Bạn chỉ ăn khi cảm giác tê đã tan biến, thông thường từ 1-2 giờ sau khi gây tê. Ăn các thức ăn mềm và uống nhiều chất lõng. Không ăn hay uống thức ăn nóng, cay. Tránh các thức ăn có hạt nhỏ và cứng như mè, đậu phọng vì nó có thể lọt vào trong cục máu đông. Nhai bên phía không nhổ răng.
CÁC NGÀY KẾ TIẾP:
- Ăn uống: Bạn có thể ăn uống bình thường nếu việc ăn nhai không làm bạn đau hay khó chịu ở vùng nhổ răng. Nếu còn đau bạn nên tiếp tục ăn thức ăn mềm.
- Chải răng: chải nhẹ nhàng ở các răng kế cận vùng nhổ răng. Tránh chải trực tiếp lên chổ nhổ răng trong tuần đầu.
- Uống thuốc: Nếu bác sĩ đề nghị kháng sinh, bạn nên uống cho đến khi hết liều thuốc mặc dù không còn thấy các dấu hiệu nhiểm trùng. Nếu bạn không bị đau thì không nên tiếp tục thuốc giảm đau, nhất là loại thuốc giảm đau có chất narcotic có thể gây nghiện.
- Súc miệng: Bạn có thể súc miệng bằng thuốc súc miệng pha loãng hay nước muối ấm để giảm sưng trong miệng (nửa muổng cà phê muối trong một ly nuớc ấm)
CÁC VẤN ĐỀ CÓ THỂ XẢY RA SAU KHI NHỔ RĂNG:
. Chảy máu kéo dài trong 2-3 ngày.
. Đau nhiều ở vùng nhổ răng và khó chịu kéo dài từ 3-7 ngày. Trong trường hợp viêm xương ổ (Dry socket) vùng nhổ răng đau nhiều, lan tỏa và kéo dài cả tuần.
. Nhổ răng khôn: bạn có thể bị sưng và bầm tím ngoài mặt kéo dài cả tuần và nặng nhất trong ngày thứ 2, thứ 3 sau khi nhổ răng. Nên chườm bằng khăn nóng ẩm nhiều lần trong ngày, bạn nên kiểm soát nhiệt độ của khăn trước khi chườm để không bị phỏng. (Bạn chỉ chườm lạnh trong ngày đầu sau khi nhổ răng)
. Sốt cao trên 100.5 độ F; sự thiếu nước cũng có thể làm bạn sốt, nên uống nhiều chất lõng.
. Khó há miệng, cứng khớp và cứng hàm; hoặc cảm giác tê ở khóe môi.
Trong những trường hợp trên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc trở lai phòng nha khoa để khám lại và có các điều trị thích hợp.