DINH DƯỠNG VÀ SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG

Răng và miệng là bộ phận chủ yếu để nhai nghiền thức ăn và chuyển thức ăn xuống các dây chuyền kế tiếp của hệ tiêu hoá. Những thức ăn mà bạn ăn vào không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân mà còn ảnh hưởng đến răng và nướu. Nếu dinh dưỡng kém, răng và miệng là bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng. Dưới đây là các khía cạnh về dinh dưỡng có lợi hoặc có hại cho răng miệng.

CÁC ĐỀ NGHỊ TỔNG QUÁT VỀ DINH DƯỠNG:

Theo trang mạng MyPlate của Trung tâm nghiên cứu chế độ dinh dưỡng của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ thì một khẩu phần dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh nên gồm:

. Rau và trái cây: chiếm 1/2 khối lượng thức ăn mỗi ngày. Rau và trái cây có nhiều sinh tố rất cần cho cơ thể và các chất xơ rất tốt cho sự tiêu hóa và làm sạch răng. Sự nhai rau cải kích thích sự tiết nước bọt để rửa sạch các mảnh vụn thức ăn và axít gây sâu răng. Chất xơ trong rau cải cọ xát bề mặt răng và tẩy sạch các mảng bám. Các chất xơ cũng giúp cho cơ thể điều hòa lượng đường, làm cho bạn no lâu hơn và khối lượng mô sợi làm kích thích nhu động ruột giúp cho sự bài tiết ở ruột dễ dàng hơn. Chất xơ làm giảm nguy cơ bị tiểu đường, tim mạch và ung thư ruột.

. Các loại ngũ cốc: chiếm ¼ khối lượng thức ăn, trong đó nên có phân nửa khối lượng ngũ cốc là các loại hạt thô chưa qua xay xát như gạo nâu, gạo lức, lúa mạch (oatmeal). Các lọai hạt thô chưa qua xay xát có lớp cám bao bọc và mầm của hạt do đó có chứa nhiều chất xơ, sinh tố, khoáng chất và ít calories hơn các loại hạt đã qua tinh chế như gạo trắng, bột mì. Tiêu thụ nhiều loại ngũ cốc đã qua xay xát có nguy cơ bị béo phì, tiểu đường và sâu răng.

. Các thức ăn từ sữa như sữa ít béo hoặc không béo, phó mát, yaourt. Các thức ăn từ sữa có chứa nhiều chất đạm và canxi rất cần cho sự phát triển của răng.

. Chất đạm: Chiếm ¼ khối lượng của khẩu phần; gồm các loại thịt nạc, thịt gà không có da và cá. Các nguồn chất đạm khác như trứng, đậu nành và các loại hạt “nut” như hạt hạt điều, hạnh nhân, pistachio… Chất đạm là thành phần chính trong mỗi tế bào của cơ thể. Cơ thể cần chất đạm để phát triển và thay thế các tế bào chết. Cơ thể dùng chất đạm để tạo ra các kích thích tố, các enzyme và các chất khác để vận hành các bộ phận và chuyển hóa các chất. Chất đạm giống như những viên gạch xây nhà trong việc tạo xương, răng, cơ bắp, máu, sụn và da.

Khẩu phần nên gồm phân nửa là rau (vegetables) và trái cây (fruits), ¼ là chất đạm (protein) và ¼ là ngũ cốc (grains). Bạn nên hạn chế ăn các loại mỡ, đường và muối; nên uống nước thay vì nước ngọt; nên dùng loại sữa ít béo; ít nhất phân nửa lượng ngũ cốc nên là loại chưa xay xát; và nên ăn thịt nạc không da, không có mỡ (Trích từ trang nhà Myplate của Trung tâm nghiên cứu chế độ dinh dưỡng, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ)

Ngoài vấn đề dinh dưỡng, bạn cần có cuộc sống vận động, mỗi ngày bạn cần dành ra ít nhất 30 phút để tập thể dục.

THỨC ĂN CÓ HẠI CHO RĂNG:

. Các loại thức ăn cứng như nước đá cục, kẹo cứng có thể làm nứt hay vỡ răng khi nhai. Nhiệt độ nóng lạnh đột ngột khi uống nước đá rồi ăn thức ăn nóng có thể làm nứt rạn men răng, các đường nứt ngày càng tiến sâu và gây chết tủy răng. Ngoài ra chất đường trong kẹo cũng gây nguy cơ sâu răng.

. Các thức ăn chua như xoài chua, cóc, ổi, chanh, cam… khi tiếp xúc thường xuyên lên men răng có thể gây sự mất chất vôi trên men răng và bị xói mòn men răng, gây ê buốt và đưa đến sâu răng. Bạn nên súc miệng ngay bằng nước lả sau khi ăn chua và không nên chải răng ngay sau khi ăn chua vì dễ làm mòn men răng.

. Trà, cà phê uống thường xuyên có thể để lại vết đen trên răng. Chất đường pha với cà phê cũng có nguy cơ gây sâu răng. Chất caffein có thể gây khô miệng, tình trạng khô miệng dễ đưa đến sâu răng vì không có đủ nước miếng để rửa sạch răng và các chất axít do vi khuẩn sâu răng tạo ra. Bạn nên uống nước ngay sau khi uống cà phê để rửa sạch răng.

  • Các loại kẹo dẽo như chocolat, nougat, caramel và trái cây khô, dẽo cũng có nguy cơ gây sâu răng vì chứa nhiều đường và dễ bám dính vào kẽ răng. Bạn nên chải răng và dùng chỉ nha khoa làm sạch răng khi ăn thức ăn này. Tốt nhất là ăn kẹo trong thời gian của bữa ăn chính và sau đó chải răng.

  • Các loại “chip” làm từ các loại bột, khi ăn thường đọng lại ở kẽ răng và viền nướu dễ gây ra sâu răng. Bạn cũng cần phải chăm sóc răng như sau khi ăn các loại kẹo dẽo.

  • Các đồ uống có sô đa sủi bọt như coke, nước cam, xá xị và các loại nước trái cây có đường… khi nhấm nháp thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ sâu răng do sự tiếp xúc thường xuyên với chất đường; ngoài ra sô đa là một dạng axít yếu có thễ làm mòn men răng. Ngoài các hậu quả trên răng, một số nghiên cứu cho thấy uống sô đa thường xuyên dễ bị nguy cơ béo phì, tiểu đường và bịnh tim mạch.

  • Rượu có thể làm giảm lượng nước miếng tiết ra và gây khô miệng: rượu cũng làm cho niêm mạc miệng và đường tiêu hóa bị kích thích và tổn thương.

THỨC UỐNG NGỌT VÀ SÂU RĂNG:

Với sự phát triển của kỹ nghệ thực phẩm và phương tiện tiếp thị khiến cho sự sử dụng các thức uống ngọt ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều thức uống được quảng cáo là “thức uống tự nhiên, không có hóa chất” hoặc “lành mạnh”. Tuy nhiên không phải thức uống nào cũng tốt cho sức khỏe răng miệng. Trong miệng của chúng ta luôn luôn có sự hiện diện của những vi khuẩn sinh sâu răng, các vi khuẩn này biến dưỡng chất đường đọng lại trong miệng để cung cấp năng lượng cho nó nhưng đồng thời cũng tạo ra các loại axít có hại cho răng.

Theo đề nghị của Bô Nông Nghiệp Hoa Kỳ (US Department of Agriculture) lượng đường ăn vào không nên vượt quá 10% số calorie mà bạn ăn mỗi ngày; tính trung bình ở người lớn, không nên ăn nhiều quá 40 – 60gram đường/ ngày. Một lon soda có chứa 40 grams đường, một ly rượu táo (apple cider) có chứa 31 grams đường.

Các thức uống có chứa nhiều đường như soda, các thức uống cung cấp “năng lượng” (energy drinks), sinh tố, các loại nước trái cây…Các loại thức uống không có đường như nước lọc, nước suối, nước trà, sữa.

Nước cung cấp trong hệ thống nước máy của nhiều thành phố có chứa chất fluo để ngăn ngừa sâu răng, do đó uống nước lấy trực tiếp từ vòi nước hoặc sau khi nấu sôi để nguội có lợi cho răng của bạn. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng nước đã qua hệ thống lọc “thẩm thấu ngược” (reversed osmosis) hoặc nước cất không có chứa chất fluo có lợi này.

Nếu bạn cần hoặc có thói quen uống các thức uống ngọt và không thay đổi thói quen đó được thì có thể áp dụng một số biện pháp để làm giảm chất đường đọng lại trên răng:

  • Bạn nên uống một lần, không nên nhấm nháp kéo dài và sau đó nên uống nước hay súc miệng bằng nước lả.
  • Uống các thức uống ngọt trong bửa ăn và sau đó chải răng.

CÁC THÓI QUEN VỀ DINH DƯỠNG CÓ LỢI VÀ HẠI CHO CHÁU BÉ:

Phần lớn các cháu bé thích ăn ngọt, có thể do bẩm sinh hoặc do thói quen trong gia đình. Tuy nhiên có nhiều bé được cha mẹ tập từ nhỏ, không có thói quen này. Điều này chứng tỏ sự giáo dục về dinh dưỡng cho con em của bạn nên khởi sự từ rất sớm. Có một số đề nghị về dinh dưỡng cho cháu bé như sau:

Lượng đường tiêu thụ mỗi ngày: Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization) mỗi ngày một người lớn không nên ăn nhiều hơn 6 muổng cà phê đường (tương đương 24 grams đường) và trẻ em không nên vượt quá 3 muổng (12 grams đường)

Các thức uống: Các thức uống ngọt có chứa một lượng đường rất cao, một bịch nước trái cây (fruit punch) có chứa 14 grams đường, một lon soda có chứa nhiều đường hơn lượng đường đề nghị cho 3 ngày.

Theo các hướng dẫn về nhi khoa, mỗi ngày trẻ em từ 1-6 tuổi không nên uống nhiều hơn một bịch nước trái cây (177ml) và trẻ em từ 7-18 tuổi không nên uống nhiều hơn 2 bịch.

Không nên cho cháu bé ngậm bình nước trái cây hay nước ngọt kéo dài. Nên tập cho bé uống bằng ly thay vì bằng bình có núm. Chỉ nên cho cháu uống nước trái cây trong bửa ăn. Tốt hơn là nên cho cháu bé uống sữa và nước thay vì nước trái cây.

Không nên cho bé uống soda vì các nguy cơ về răng miệng và sức khỏe toàn thân như đã nói ở trên. Trong một nghiên cứu ở trẻ em từ 14-19 tuổi ở các em có thói quen uống soda, có 31.7% bị ăn mòn men răng do axít carbonic có chứa trong soda.

Lượng đường cao trong một lon sô đa. Carbonated water (hay axít carbonic) là một axít yếu khi phối hợp vớ đường sẽ gây ra nguy cơ sâu răng cao.

Các món ăn vặt: Các thức ăn vặt ngọt và dính như fruit loop, các loại trái cây khô, chocolat, có nhiều nguy cơ hơn cả các loại kẹo cứng vì ngoài chất đường, loại thức ăn này dễ dính vào kẽ răng và gây nguy cơ sâu răng cao.

Các thức ăn có chất bột như bánh ngọt (cookie, cracker…), các loại chips (khoai tây, bắp…) có chứa nhiều tinh bột. ở môi trường miệng tinh bột được chuyển hóa thành chất đường và cũng gây nguy cơ sâu răng như các thức ăn ngọt. Ngoài ra, các loại thức ăn vặt này cũng rất dễ bị dính vào kẽ răng. Về sức khỏe toàn thân, sự tiêu thụ nhiều tinh bột làm tăng nguy cơ béo phì, cao mỡ trong máu và tiểu đường.

Nên cho bé ăn các loại rau, trái cây có nhiều chất xơ như cà rốt, celery, táo, mận, dâu tây, kiwi… và các loại hạt (nuts) vì các loại thức ăn vặt này chứa ít đường và có nhiều chất xơ làm sạch răng. Khi ăn rau và trái cây vì phải nhai lâu hơn nên nước bọt được tiết ra nhiều hơn do đó răng được nước miếng rửa sạch và ít có nguy cơ bị sâu răng hơn là ăn bánh kẹo.

Giáo dục thói quen tốt từ nhỏ: Nếu bạn muốn cho con em mình có bộ răng tốt bạn cũng nên tập cho bản thân mình thói quen tốt về ăn uống. Tập quán ăn uống ở trẻ em phần lớn do cha mẹ truyền lại. Tập cho bé có thói quen vệ sinh răng miệng tốt và nhất là đừng mua và tích trữ trong nhà các thức ăn dễ gây sâu răng.

DINH DƯỠNG CHO TỪNG LỨA TUỒI:

Các đề nghị tổng quát về dinh dưõng đã được trình bày ở trên. Khẩu phần được đề nghị trong trang mạng Myplate được áp dụng cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi có những nhu cầu dinh dưỡng đôi chút khác nhau.

Dinh dưỡng cho trẻ em: Các bé ở tuổi đang phát triển và cần những thức ăn chứa nhiều canxi, phốt pho, sinh tố và chất đạm để phát triển bộ xương, răng và cơ bắp. Các thức ăn cung cấp nhiều canxi, muối khoáng và sinh tố gồm có sữa, cua tôm, rau và trái cây. Chất đạm có nhiều trong sữa, phó mát, các loại thịt nạc, trứng, cá và các loại đậu (đậu nành-soybean, đậu hòa lan- pea…)

Các thức ăn có nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt làm tăng lượng calories hấp thu và gây ra nguy cơ béo phì và gây sâu răng. Các thức ăn nhanh (fast food) và bánh ngọt chứa nhiều chất mỡ bảo hoà (saturated fat, transfat), những loại mỡ này không tốt cho tim mạch vì làm tăng lượng cholesterol “xấu” (low density cholesterol) trong máu.

Dinh dưỡng cho tuổi thiếu niên: Thành phần dinh dưỡng ở lứa tuổi này cũng chú trọng đến sự phát triển của cơ thể tương tự như dinh dưỡng cho trẻ em. Cần chú trọng đến sự giảm những thức ăn, thức uống ngọt. Đồng thời giảm sự tiêu thụ các chất béo thường có trong thịt mỡ, thức ăn nhanh (fast food); các em nên uống sữa ít béo hoặc không béo (low fat or fat-free milk).

Các em cần chú trọng tránh các thói quen ăn uống không tốt cho răng miệng như uống nhiều nước trái cây (smoothies), soda, ăn vặt thường xuyên, nhai kẹo cao su có chứa đường. Nếu các em thích ăn, uống các thức ăn này thì nên dùng trong bửa ăn chính và sau đó đánh răng; điểm chính yếu là tránh sự tiếp xúc của chất carbohydrate (chất đường và tinh bột) lên răng trong một thời gian kéo dài để giảm nguy cơ sâu răng.

Những thức ăn vặt ít hại răng như rau cải (càrốt, celery, bông cải xanh – broccoli), trái cây có nhiều xơ như táo, dâu tây, mận, dưa lưới (cantaloupe) nên được dùng thay thế cho các loại chip (khoai tây chiên) chocolate, nut bar, fruit loop…

Thức ăn vặt có hại cho răng.
Thức ăn vặt ít hại cho răng.

Nếu các em có mang niềng răng (chỉnh nha) thì việc giữ vệ sinh răng miệng càng chặt chẽ hơn, tránh những thức ăn cứng như các hạt cứng (nuts), kẹo cứng, nhai đá cục, bắp rang để không làm lệch lạc các bộ phận chỉnh nha. Các em cũng nên tránh các thức ăn ngọt và dẽo như kẹo cao su, chocolates, nho khô…vì dễ dính vào răng và các bộ phận chỉnh nha.

Dinh dưỡng cho người mang thai: Sự dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai chú trọng đến các thức ăn giàu sinh tố, chất đạm, các chất khoáng can xi và phốt pho cần thiết cho việc thành lập bộ xương và các mầm răng của bào thai. Các răng sữa được thành lập từ khi bào thai còn trong bụng mẹ từ tháng thứ ba trở đi. Can xi và phốt pho có nhiều trong thịt, cá, sữa, trứng, đậu… Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy axít folic mà bà mẹ ăn hay uống vào cũng giúp phòng ngừa các dị tật của hệ thống thần kinh của thai nhi; axít folic hay sinh tố B9 có nhiều trong rau cải xanh như rau bina (spinach), măng tây, bông cải xanh (broccoli) và các loại trái cây như đu đủ, cà chua, dâu tây, dưa lưới (cantaloupe). Các chuyên viên dinh dưỡng đề nghị các bà mẹ nên uống mỗi ngày 600 microgram axít folic trong suốt thai kỳ.

Các loại rau có chứa nhiều sinh tố B9.

Bà mẹ mang thai có khuynh hướng ăn vặt nhiều hơn do đó nguy cơ sâu răng càng cao. Để tránh tình trạng sâu răng, các bà mẹ nên chọn các thức ăn vặt ít đường và ít chất bột như rau, trái cây tươi, yaourt không đường, phó mát.

Các bà mẹ tương lai nên uống nhiều nước và sữa thay vì uống nước ngọt và nước trái cây có nhiều đường. Nước có chứa fluo sẽ làm cho bộ răng tương lai của bé rắn chắc hơn.

Dinh dưỡng cho người ở tuổi trung niên: Ở tuổi trung niên, cơ thể có nhiều thay đổi về tình trạng sức khỏe như:

. dễ bị cảm cúm do sức đề kháng giảm,

. dễ bị béo phì do ít vận động, sự tiêu thụ năng lượng giảm đi và sự thay đổi trong thành phần dinh dưỡng,

. các cơ bắp bị teo đi ít nhiều, loãng xương và dễ gãy xương khi ngã té,

. dễ bị các rối loạn về thần kinh như mất ngủ, trầm cảm…

. các nguy cơ về bịnh tim mạch, tiểu đường và ung thư cũng cao hơn người trẻ.

Các đề nghị về dinh dưỡng bao gồm các yếu tố sau: – Duy trì một khẩu phần cân bằng theo hướng dẩn của MyPlate như đã nói ở trên. Chú trọng các thức ăn rau và trái cây, các thức ăn có nhiều canxi như sữa, yaourt. Mặc dù không cần nhiều calories như người trẻ nhưng khẩu phần của người trung niên cũng cần nhiều chất đạm và khoáng chất như thịt, cá, đậu…

Nên tránh ăn các thức ăn chế biến bằng phương pháp công nghiệp (processed foods) như thịt nguội, súc xích, mì ăn liền, khoai tây chiên, bánh kẹo, chocolate…có chứa nhiều đường, mỡ và muối, ít sinh tố và các chất xơ; ăn nhiều loại thức ăn này dễ có nguy cơ béo phì, tăng lượng mỡ trong máu, cao huyết áp và bịnh tim mạch.                                                                                      

 – Hỏi ý kiến bác sĩ gia đình trong việc sử dụng các thuốc sinh tố và các chất bổ sung (vitamin supplement)

– Duy trì thói quen vận động, tập thể dục nhẹ hoặc đi bộ, thể dục dưỡng sinh…

– Cai thuốc lá và rượu, không uống nhiều hơn 2 ly mỗi ngày.

Dinh dưỡng cho người cao niên: Người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng do nhiều nguyên do:                                                                                                                                

  • mất răng nên hiệu quả nhai và hấp thu kém                                                                                     
  • sự suy giảm trí nhớ hay suy giảm tri giác nên thường quên ăn                                                   
  • sự suy sụp tinh thần, trầm cảm hoặc thiếu thốn về tài chánh                                                    
  • thường xuyên nghiện rượu và không thấy đói                                                                                                 
  • không tự mình nấu ăn được nên lười biếng ăn.

Sức khỏe răng miệng của quý vị cao niên cũng thường bị xao lãng. Có khoảng 25% người trên 65 tuổi mất hết răng, trong số đó có nhiều người không có điều kiện điều trị răng giả. Các bịnh ở vùng răng miệng cũng làm cho sự ăn uống khó khăn hơn như sâu răng, bịnh viêm nha chu, khô miệng, ung thư hàm mặt…Ngoài ra nhiều vị cao niên không có điều kiện đi chữa răng vì sự đi lại khó khăn, không có bảo hiểm sức khỏe hoặc không có tiền chi phí cho việc điều trị răng.  

Sự suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi thường không được người nhà phát hiện ra và có thể đưa đến những hậu quả như suy giảm miễn nhiểm, các cơ và xương bị suy yếu. Có một điều nghịch lý là người lớn tuổi thường không thích ăn rau và trái cây vì mất răng, không nhai nghiền một cách hiệu quả. Điều này khiến cho quý vị cao niên thường có khuynh hướng thích ăn các bánh mềm và các đồ ăn bằng chất bột… Để đạt sự dinh dưỡng tốt, quý vị cao niên cần có sự quyết tâm thay đổi trong thói quen ăn uống như giảm ăn mặn, giảm ăn ngọt và các chất béo, ăn nhiều rau và trái cây; hạn chế các thức ăn được chế biến bằng phương pháp công nghiệp và các loại nước ngọt để giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và sâu răng.

Quý vị cao niên thường có khuynh hướng thích ăn các loại bánh mềm và các đồ ăn bằng chất bột do đó nguy cơ sâu răng lại càng cao hơn.

Sự hạn chế uống rượu cũng giúp giảm nguy cơ ung thư miệng, ung thư dạ dày và bịnh sơ gan.                                                                                                        

Người nhà hoặc người chăm sóc cho quý vị cao niên cũng cần hiểu biết các nguyên tắc dinh dưỡng thích hợp cho lứa tuổi này.

Một kết luận tổng quát về dinh dưỡng và sức khỏe răng miệng mà mọi lứa tuổi cần áp dụng là:

  • Giảm bớt lượng thức ăn có chứa nhiều chất bột và đường.
  • Tăng loại thức ăn có nhiều sinh tố và chất xơ như trái cây, rau cải.
  • Hạn chế số lần ăn vặt và uống vặt trong ngày.

Similar Posts