CẦU RĂNG

BS Nha Khoa Chánh Việt

Cầu răng hay còn gọi là phục hình cố định, có nghĩa là khi lắp đặt, cầu răng được dán vào các răng thật bằng một loại xi măng đặc biệt, bạn không thể tự mình tháo ra được. Các vật liệu để làm cầu răng có thể là vàng, hợp kim, sứ hay hổn hợp sứ và hợp kim.

1-Chỉ định:

Cầu răng được chỉ định để thay thế một hay vài răng bị mất và các răng thật còn lại được dùng làm trụ để nâng đỡ cầu răng. Trên nguyên tắc để đạt được sự bền vững cho cầu răng, số lượng răng trụ được chọn để nâng đỡ cầu răng phải nhiều hơn hay ít nhất phải bằng với số răng mất mà cầu răng đó thay thế. Nói một cách cụ thể là dùng 2 răng trụ để nâng đỡ cho cầu răng thay thế 1-2 răng đã mất là tốt nhất, nếu dùng 2 răng trụ để nâng đỡ 3 răng mất là quá tải cho các răng trụ. Nguyên tắc này cũng còn tùy thuộc vào kích thước của chân răng trụ, nếu chân răng trụ dài và tiết diện chân răng lớn thì nó có thể gánh nhiều răng mất hơn.

2- Ưu điểm:

Thay thế răng mất bằng cầu răng là phương pháp cổ điển vì nó đã có từ vài trăm năm nay. Cầu răng phục hồi lại chức năng, thẩm mỹ. Vì được gắn xi măng cố định vào răng thật nên bạn có cảm giác thoải mái như mình có lại răng thật.

  – Thời gian điều trị nhanh chóng và thường không gây đau.

   – Thẩm mỹ vì có hình thể giống như răng thật và các vật liệu giống màu răng.

    – Phục hồi lại chức năng nhai, phát âm, thẩm mỹ và nụ cười.

     – Phân tán lực nhai đồng đều lên các răng và ngăn ngừa sự di chuyển lệch lạc của răng.

Để thay thế một răng đã mất, các răng kế cận vùng mất răng (còn gọi là răng trụ) được mài nhỏ (sau khi mài nhỏ được gọi là cùi răng), cầu răng được thực hiện và gắn vào các răng trụ bằng xi măng nha khoa. Sự chọn lựa tốt khi một răng mất được nâng đỡ bởi 2 răng trụ.

3- Nhược điểm:

Phương pháp điều trị này có nhiều nhược điểm như:

     –  Phải mài cắt răng trụ để tạo chổ cho cầu răng, mất nhiều men răng.

     –  Trong và sau khi điều trị, răng bị mài có thể bị chết tủy; nếu tủy răng còn sống.

     –  Về sau các răng trụ có thể bị sâu răng do bị mài mất lớp men.

     –  Sự chải rửa và chăm sóc khó khăn hơn do đó dễ phát sinh ra sâu răng và viêm nha chu.

     –  Dưới tác dụng của lực nhai lâu ngày, xi măng gắn cầu răng bị nứt, ngấm nước và phát sinh sâu răng.

Sự chọn lựa không thuận lợi khi dùng hai răng trụ nhỏ như răng cửa bên để nâng đỡ một cầu răng thay thế hai răng mất là hai răng lớn.

Trình tự để thực hiện một cầu răng:

Thông thường công việc điều trị này cần ít nhất hai lần hẹn. Trong những trường hợp phức tạp, Bác sĩ có thể phải cần nhiều lần hẹn hơn.

Trong lần hẹn đầu tiên, các răng trụ sẽ đươc mài để tạo chổ cho các mão răng có thể chụp lên các răng trụ mà không làm ảnh hưởng khớp cắn và hình thể của răng. Sau đó các răng trụ đươc lấy dấu, đổ ra mẩu và gửi đến labô để chế tạo ra một cầu răng. Trước khi ra về, bạn sẽ được Bác sĩ gắn cho một cầu răng tạm để bảo vệ răng trụ không bị ê buốt và không bị trồi răng.

Trong lần hẹn thứ nhì, cầu răng tạm sẽ đươc gỡ ra và cầu răng vĩnh viễn được lắp thử và điều chỉnh cho khớp cắn được khít khao. Sau đó cầu răng có thể đươc gắn tạm để theo dõi sự thích ứng và ăn nhai của bạn trong một thời gian. Trong thời gian này bạn nên ăn nhai các thức ăn mềm và cắt ra miếng nhỏ. Sau vài tuần sử dụng mà không có vấn đề, cầu răng sẽ được gắn lại bằng môt loại xi măng vĩnh viễn.

Cầu răng tồn tại được bao lâu: 

Tuổi thọ trung bình cho một cầu răng từ 5 đến 10 năm. Cầu răng có nhịp cầu càng dài thì tuổi thọ của cầu răng càng ngắn. Các cầu răng có nhịp cầu dài dễ bị đàn hồi dưới tác dụng của lực nhai và làm cho lớp xi măng gắn cầu bị nứt và khởi phát sâu răng. Các răng trụ yếu vì mất xương cũng làm cho cầu răng sớm bị thất bại. Việc giữ vệ sinh răng miệng tốt và khám răng định kỳ sẽ giúp cho cầu răng được tồn tại lâu hơn.

Cách chăm sóc cầu răng:

Giữ cho răng cứng chắc khỏe mạnh là yếu tố bảo đảm cho cầu răng được sử dụng bền lâu. Bạn nên chải răng ngày hai lần và dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Ở vùng dưới nhịp cầu, bạn nên dùng dụng cụ xỏ chỉ để luồn sợi chỉ nha khoa xuống bên dưới để cọ xát sợi chỉ cho sạch bề mặt nhịp cầu và bề mặt chân răng kế cận nhịp cầu. Dụng cụ xỏ chỉ nha khoa này đươc làm bằng ni lông mềm và không gây chấn thương nướu răng.

Dụng cụ xỏ chỉ nha khoa xuống bên dưới nhịp cầu để làm sạch răng.                                                                              

                                                                             

Có một vài biến thể của cầu răng như cầu vói, cầu dán.

CẦU RĂNG VÓI:

Thực chất là một cầu răng có các răng trụ nằm về một phía của nhịp cầu. Cầu vói được dùng khi không có răng trụ ở tận cùng phía trong của cung răng, thí dụ như bị mất các răng cối; hoặc có răng trụ ở hai đầu của khoảng mất răng nhưng vì một răng bị yếu không đủ sức nâng đỡ cho cầu răng. Về mặt sinh cơ học, cầu vói không phải là sự chọn lựa tốt vì lực nhai tác dụng lên nhịp cầu sẽ tạo nhiều lực xoắn bất lợi cho răng trụ. Cầu vói chỉ nên dùng khi nhịp cầu ngắn, thí dụ như dùng một răng cối gánh một nhịp cầu thay thế răng cối nhỏ; hoặc dùng nhiều răng trụ để gánh nhịp cầu có 1 răng.

Răng trụ chịu nhiều lực xoắn và dễ bị lung lay khi lực nhai tác dụng lên nhịp cầu.

CẦU RĂNG DÁN:  

Cầu răng dán hay còn gọi là cầu răng Maryland (loại cầu răng này được phát triển từ Đại học Maryland). Loại cầu răng này được áp dụng rộng rãi trước khi kỹ thuật cắm ghép implant trở nên phổ biến và thay thế nó. Ngày nay, cầu răng dán được dùng như một cầu răng tạm khi đặt implant, trong khi chỉnh nha, hoặc ở trẻ em khi răng và xương hàm chưa phát triển hoàn chỉnh.

Cầu gồm có một nhịp cầu và hai cánh; cánh được dán bằng chất keo đặc biệt vào răng trụ.

Cầu gồm có một nhịp cầu và hai cánh; cánh được dán bằng chất keo đặc biệt vào răng trụ.

Thành phần của cầu răng dán là một nhịp cầu với hai cánh hai bên tựa lên mặt trong của hai răng trụ. Bề mặt của hai cánh tiếp xúc với răng trụ được làm nhám bằng phương pháp khắc axít hay đục lổ nhờ vậy hai cánh bám dính vào bề mặt răng trụ qua trung gian của chất keo dán. Vật liệu để làm cầu răng dán có thể là sứ- kim loại, zirconia hay sứ gia cố Emax.

Lợi điểm của cầu răng dán :

. Thời gian điều trị nhanh.

. Không phải mài răng trụ hoặc mài rất ít.

. Không phải phẩu thuật.

 Nhuợc điểm của cầu răng dán :

. Các răng trụ yếu có thể bị rung chuyển dưới tác động của lực nhai làm cho chất keo dán bị bong ra và cầu răng bị sút ra.

.  Các cánh mõng có thể bị gãy hoặc bị biến dạng

. Cầu răng dán đươc chỉ định thay thế chỉ một răng mất và răng có kích thước nhỏ như răng cửa bên, răng cửa hàm dưới…Loại cầu răng này không đủ sức chịu đựng nhịp cầu dài thí dụ thay thế 2,3 răng.

Kết luận:

Cầu răng là loại răng giả cổ điển và phương pháp điều trị này cho thấy có nhiều nhược điễm như răng trụ dễ bị sâu và mất thêm răng trong tương lai, dễ phát sinh bịnh nha chu hoặc chết tủy răng do răng trụ bị mài cắt… Khi implant được áp dụng trong nha khoa, sự chỉ định của cầu răng trong điều trị răng giả bị hạn chế đi nhiều.

Similar Posts